CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

ĐẢNG BỘ TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU

Bà Rịa - Vũng Tàu khẳng định tiềm năng, nâng tầm hội nhập
Thứ hai, 7/7/2025

Những thách thức đặt ra đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ sau khi sáp nhập học viện cán bộ tp.hcm với trường chính trị tỉnh Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu

Thứ Năm, 12/06/2025 - 15:10
Đọc bài viết In bài E-mail - + - + Chia sẻ

Hiện nay, trong bối cảnh cả nước đang đẩy mạnh thực hiện việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và thực hiện chuyển đổi số toàn diện, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của các trường chính trị cấp tỉnh cũng đứng trước yêu cầu đổi mới sâu sắc. Trên tinh thần đó, Đề án sáp nhập 3 cơ sở đào tạo chính trị gồm: Học viện Cán bộ TP.HCM, Trường Chính trị tỉnh Bình Dương và Trường Chính trị tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã được xây dựng và triển khai. Việc làm này không chỉ nhằm tinh gọn bộ máy mà còn hướng đến mục tiêu xa hơn là xây dựng một mô hình trường chính trị vững mạnh, hiện đại, có năng lực tổ chức đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học tốt, đáp ứng thực tiễn công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ của TP.HCM mới.

Tuy nhiên, quá trình sáp nhập cũng đặt ra nhiều vấn đề cần phải quan tâm nghiên cứu, đặc biệt là những thách thức trong việc điều hành một mô hình đào tạo đa cơ sở, đa chức năng, khác biệt về truyền thống, cơ chế tài chính và nguồn nhân lực. Việc nhận thức và xác định rõ những vấn đề thực tiễn này là cơ sở quan trọng để đề xuất các định hướng phù hợp, đảm bảo sự phát triển ổn định và nâng cao hiệu quả hoạt động công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong giai đoạn mới.

Ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh; ông Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu; ông Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương, chủ trì hội nghị.

 

Trước khi tiến hành sáp nhập, 3 cơ sở đào tạo gồm Trường Chính trị tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Trường Chính trị tỉnh Bình Dương và Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh đều là những đơn vị có lịch sử hình thành và phát triển lâu dài, đóng vai trò quan trọng trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của địa phương; với những điểm mạnh riêng về truyền thống, đội ngũ nhân sự, cơ sở vật chất và phương thức tổ chức đào tạo.

Trường Chính trị tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tiền thân là Trường Đảng Đặc khu Vũng Tàu – Côn Đảo (được thành lập từ năm 1979). Tính đến năm 2024, nhà trường đã tổ chức hơn 1.400 lớp với gần 124.000 lượt học viên, bình quân mỗi năm mở trên 40 lớp, phục vụ hiệu quả công tác đào tạo lý luận chính trị, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh. Hiện trường có 42 viên chức và người lao động, trong đó hơn 69% có trình độ thạc sĩ và 6,1% có trình độ tiến sĩ. Thời gian qua, trường đã tích cực triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh, cấp trường và tổ chức nhiều hội thảo khoa học có giá trị thực tiễn cao. Trụ sở trường đặt tại TP. Bà Rịa, diện tích hơn 41.000 m², với cơ sở vật chất tương đối đồng bộ, hiện đại.

Trường Chính trị tỉnh Bình Dương được thành lập từ năm 1950, tiền thân là Trường Đảng tỉnh Sông Bé. Qua hơn 7 thập kỷ phát triển, nhà trường đã khẳng định được vị thế là trung tâm đào tạo lý luận chính trị của tỉnh. Giai đoạn từ năm 1997 đến 2023, trường đã mở 391 lớp với hơn 35.800 học viên. Hiện nay, trường có đội ngũ giảng viên tương đối ổn định, trong đó 71,05% có trình độ thạc sĩ và gần 8% là tiến sĩ. Ngoài ra, trường còn chủ động thực hiện các hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn và xuất bản tài liệu chuyên khảo phục vụ giảng dạy. Trụ sở trường đặt tại thành phố Thủ Dầu Một với diện tích gần 29.000 m². Cơ sở vật chất của trường tương đối đầy đủ, hiện đại, đáp ứng cơ bản nhu cầu học tập và nghiên cứu của các đối tượng học viên.

Học viện Cán bộ TP. Hồ Chí Minh là cơ sở có quy mô lớn nhất trong ba đơn vị, có lịch sử hình thành từ Trường Đảng Khu ủy Sài Gòn – Gia Định (thành lập từ năm 1965). Khác với các trường chính trị tỉnh, Học viện còn có chức năng đào tạo đại học và sau đại học với năm chuyên ngành được cấp phép, đồng thời tiếp tục đảm nhận nhiệm vụ đào tạo lý luận chính trị, quản lý nhà nước và bồi dưỡng cán bộ tại địa phương. Trong 60 năm xây dựng và phát triển, Học viện đã mở 14. 953 lớp với 759.981 học viên với nhiều loại hình lớp đa dạng; nghiên cứu 6 đề tài khoa học cấp Nhà nước/ Bộ; 12 đề tài khoa học cấp tỉnh. Học viện luôn giữ vị trí quan trọng trong việc xây dựng và phát triển nguồn nhân lực, tổng kết thực tiễn, tư vấn chính sách cho hệ thống chính trị của TP.HCM. Về nhân sự, hiện Học viện có tổng cộng 176 viên chức và người lao động, trong đó có 2 Phó Giáo sư, 30 tiến sĩ, 98 thạc sĩ. Học viện có cơ sở chính tại quận Bình Thạnh và cơ sở phụ tại quận 3 với cơ sở vật chất đầy đủ, hiện đại, đáp ứng tốt cho yêu cầu của hoạt động giảng dạy và nghiên cứu.

Xét tổng thể, cả 3 cơ sở trước khi sáp nhập đều có năng lực, thế mạnh riêng. Tuy nhiên, sự khác biệt về cơ chế tổ chức, năng lực quản trị, phương thức hoạt động, quy mô đào tạo và trình độ chuyên môn giữa các đơn vị là yếu tố cần nghiên cứu kỹ lưỡng, nhằm tạo ra một mô hình Học viện Cán bộ TP.HCM mới – đủ mạnh về tổ chức, đồng bộ về nội dung, thống nhất trong điều hành và hiện đại trong phương thức hoạt động. Đó sẽ là bước đi chiến lược nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong bối cảnh sắp xếp các đơn vị hành chính, hội nhập quốc tế và chuyển đổi số hiện nay. Những khó khăn, trở ngại khi thực hiện việc sáp nhập 3 đơn vị gồm có các vấn đề cơ bản như sau:

Thứ nhất, một trong những thách thức lớn nhất đặt ra sau khi sáp nhập là vấn đề tổ chức bộ máy và quản trị hợp nhất. Trước khi sáp nhập, 3 đơn vị hoạt động độc lập, trực thuộc ba cấp ủy khác nhau, với cơ cấu tổ chức, phương thức quản lý và văn hóa vận hành riêng biệt. Việc hợp nhất về mặt hành chính – tổ chức không chỉ đơn thuần là sáp nhập một cách cơ học về tên gọi, đội ngũ nhân sự và cơ sở vật chất, mà đòi hỏi sự điều phối hài hòa giữa các phòng, khoa, trung tâm, bảo đảm hoạt động được thông suốt. Hiện chưa có một khung pháp lý hay quy định chi tiết nào về mô hình quản trị đối với một Học viện được hình thành trên cơ sở sáp nhập liên địa phương. Thực tế này chắc chắn sẽ gây ra những khó khăn nhất định trong vấn đề xây dựng quy chế nội bộ, xác định trách nhiệm và quyền hạn giữa các bộ phận, ít nhất là trong giai đoạn đầu sau khi sáp nhập.

Thứ hai, một thách thức lớn sau khi sáp nhập là sự khác biệt trong đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý giữa ba đơn vị tiền thân. Về trình độ, Học viện Cán bộ TP. Hồ Chí Minh có đội ngũ giảng viên hùng hậu, với tỷ lệ tiến sĩ, thạc sĩ và giảng viên chính cao hơn đáng kể so với Trường Chính trị tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và Bình Dương. Sự chênh lệch này không chỉ thể hiện ở học hàm, học vị mà còn ở kinh nghiệm, phương pháp giảng dạy và năng lực nghiên cứu khoa học. Phong cách làm việc giữa các đơn vị cũng có sự khác biệt, phản ánh đặc thù quản trị và văn hóa tổ chức của từng địa phương. Tâm lý của một bộ phận giảng viên, cán bộ quản lý cũng chưa thực sự ổn định. Trong bối cảnh đó, nếu không có chính sách phù hợp để giải quyết, nguy cơ mất cân bằng nội bộ và suy giảm chất lượng đào tạo là điều có thể xảy ra.

Thứ ba, một thách thức không nhỏ sau sáp nhập nữa là sự khác biệt trong hoạt động chuyên môn giữa các cơ sở đào tạo. Mặc dù khung chương trình được thực hiện thống nhất theo quy định của Trung ương, song nhìn chung mỗi đơn vị đều có sự khác biệt trong cách tổ chức lớp học, tổ chức các hoạt động chuyên môn. Phương pháp giảng dạy của giảng viên các đơn vị chắc chắn cũng có những khác biệt. Điều này gây khó khăn trong việc tích hợp, chuẩn hóa nội dung và triển khai chương trình chung sau khi sáp nhập, đặc biệt khi tổ chức đào tạo liên tỉnh với đối tượng học viên đa dạng.

Thứ tư, việc sáp nhập 3 cơ sở đào tạo cũng đặt ra thách thức lớn về quản lý cơ sở vật chất. Với hệ thống trụ sở phân tán tại ba địa phương khác nhau, công tác quản lý điều hành, tổ chức lớp học, phân công giảng viên và đảm bảo chất lượng đào tạo chắc chắn sẽ gặp không ít khó khăn. Khoảng cách địa lý khiến việc tổ chức các hoạt động chung phải phụ thuộc nhiều vào phương tiện kết nối, đồng thời phát sinh chi phí di chuyển và phối hợp liên vùng. Bên cạnh đó, mức độ đầu tư về công nghệ và trang thiết bị dạy học giữa các cơ sở chưa đồng đều, chưa đáp ứng yêu cầu về phòng học thông minh, hệ thống hội nghị trực tuyến, phần mềm quản lý đào tạo hoặc nền tảng học trực tuyến. Nếu không được đầu tư đồng bộ, nguy cơ mất cân đối chất lượng giữa các cơ sở là điều khó tránh khỏi, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả hoạt động chung của Học viện mới.

Để khắc phục những khó khăn, trở ngại nêu trên, Học viện Cán bộ TP.HCM mới sau khi sáp nhập cần triển khai đồng bộ một số giải pháp sau:

Thứ nhất, kiện toàn tổ chức bộ máy và cơ chế quản trị hợp nhất. Trước hết, cần kiến nghị Trung ương và Thành ủy TP.HCM ban hành một khung pháp lý đặc thù, tạo hành lang pháp lý rõ ràng cho mô hình Học viện đa cơ sở, liên địa phương – vốn chưa có tiền lệ và chưa được quy định cụ thể trong hệ thống văn bản hiện hành. Trên cơ sở đó, Học viện cần xây dựng mô hình tổ chức theo hướng tinh gọn, đồng bộ, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ của từng phòng, khoa, trung tâm và xác lập mối quan hệ phối hợp chặt chẽ giữa các bộ phận. Một quy chế hoạt động nội bộ thống nhất cũng cần được ban hành, vừa đảm bảo minh bạch, hiệu quả trong điều hành, vừa linh hoạt để phù hợp với đặc thù của từng cơ sở. Giải pháp này có ý nghĩa then chốt nhằm tạo nền tảng pháp lý và tổ chức ổn định, thống nhất, giúp Học viện mới vận hành hiệu quả và phát triển bền vững trong giai đoạn chuyển đổi.

Thứ hai, kiện toàn nhân sự, đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý. Trước hết, cần tiến hành rà soát, sắp xếp và phân công lại đội ngũ nhân sự một cách khoa học, dựa trên năng lực chuyên môn, kinh nghiệm, hiệu quả công tác và nguyện vọng cá nhân. Việc bố trí cần đảm bảo sự công bằng, hài hòa, tránh tạo cảm giác phân biệt giữa cán bộ “cũ” và “mới”, từ đó duy trì sự đoàn kết và ổn định tâm lý trong toàn hệ thống. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, giảng viên cần được chú trọng, đặc biệt là các chương trình nâng cao kỹ năng giảng dạy, quản lý, ứng dụng công nghệ và thích ứng với môi trường học viện đa cơ sở. Ngoài ra, cần xây dựng chính sách nhân sự linh hoạt, trong đó chú trọng các cơ chế khen thưởng, động viên kịp thời đối với những cá nhân tích cực, đồng thời bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động, góp phần tạo động lực, giữ chân nhân tài và xây dựng văn hóa tổ chức bền vững.

Thứ ba, tiếp tục đổi mới hoạt động chuyên môn. Đảng ủy, Ban giám đốc Học viện mới cần tiến hành rà soát và chuẩn hóa nội dung chương trình đào tạo theo hướng thống nhất, phù hợp với mục tiêu chung, đồng thời linh hoạt điều chỉnh để phản ánh đặc thù và yêu cầu thực tiễn của từng địa phương. Về phương pháp giảng dạy, cần tăng cường tổ chức các hội thảo chuyên đề, lớp bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm nhằm chia sẻ kinh nghiệm, cập nhật xu hướng giảng dạy tích cực. Hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn cần được đẩy mạnh theo hướng tận dụng thế mạnh của mỗi cơ sở, huy động tối đa tiềm năng của đội ngũ cán bộ, giảng viên.

Thứ tư, quan tâm đầu tư hoàn thiện cơ sở vật chất và ứng dụng khoa học công nghệ. Cần ưu tiên đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng công nghệ số (phòng học thông minh, phần mềm quản lý đào tạo tích hợp…). Đồng thời, Học viện mới cần thiết lập cơ chế phối hợp, điều chuyển linh hoạt giữa các cơ sở về giảng viên, lớp học và trang thiết bị, giúp sử dụng tối ưu nguồn lực, hạn chế tình trạng thừa – thiếu cục bộ. Việc xây dựng một trung tâm điều phối đào tạo có chức năng quản lý tập trung toàn bộ lịch giảng, hoạt động chuyên môn và phân phối nguồn lực sẽ làm tăng tính chủ động, đồng bộ và minh bạch trong tổ chức vận hành.

Tóm lại, việc xây dựng mô hình Học viện đa cơ sở, liên địa phương trong bối cảnh hiện nay là bước đi chiến lược nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển mới. Để mô hình này vận hành hiệu quả, cần triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp đã nêu trên. Mỗi giải pháp cần được cụ thể hóa bằng hành động thiết thực, phù hợp với điều kiện thực tiễn và gắn chặt với định hướng phát triển chung. Đây là bước đi quan trọng để xây dựng một TP.HCM mới ngày càng phát triển, góp phần đưa đất nước bước vào “kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”./.
 

ThS. Trần Ngọc Sáng
 


Đánh giá: